Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Khổ chồng thêm khổ!


Đã 12 năm nay, ông Trần Tĩnh (SN 1964, ấp Ông Thanh, xã Cây Trường, Bến Cát) ngày ngày quẩn quanh trong căn nhà rách nát để chăm sóc cho người con tâm thần. Nỗi khổ đè nặng hơn trên tấm lưng còng của ông, khi chính bản thân mình cũng bị bại liệt. Khổ chồng thêm khổ, ông chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân để có sức khỏe sống với vợ con.

 
Sinh ra và lớn lên tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, cuộc sống nơi quê nhà cơ cực, anh Tĩnh đưa gia đình vào Bình Dương mưu sinh. Được sự tận tình giúp đỡ của nhiều người, vợ chồng anh làm bảo vệ vườn cao su cho một số hộ dân và sống nhờ trên đất của họ. Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm, “đời nghèo mà vui”, không ngờ năm 2000, con trai Trần Văn Vững (SN 1980) phát bệnh tâm thần phân liệt. Vững điên dại xé áo, quần rồi vác dao chạy khắp làng, không cái chén đĩa, xoong, nồi nào trong nhà còn lành lặn. Thương con, ông Tĩnh cùng vợ ngược xuôi chạy chữa thuốc thang, nhưng bệnh tình anh vẫn không thuyên giảm. Suốt 12 năm điều trị dù không còn hung hăng như trước, nhưng Vững không ý thức được gì. Bệnh viện cho về được 1 tháng lại phải nhập viện, bởi cứ ở nhà anh lại lang thang khắp nơi, áo quần bận vào đều bị anh xé nát, suốt ngày trần truồng ngồi hát nghêu ngao.
 
  Ông Tĩnh và các con trong ngôi nhà dột nát


Khổ càng thêm khổ, tháng 8-2012, đến lượt ông Tĩnh bị thoái vị đĩa đệm trung tầng, lồi đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm khiến hai chân teo nhỏ và dần tê liệt. Không còn công việc, chỗ ở, may mắn anh được một gia đình cho mượn mảnh đất nhỏ cất căn nhà tạm để tránh mưa nắng. Ngôi nhà nền đất, tường nylon, trần nhà lợp bằng bạt, tôn hư hỏng... mỗi cơn gió mạnh thổi qua, căn nhà đưa đẩy theo gió. Trong căn nhà “rách” đó luôn văng vẳng tiếng khóc thương tâm của người cha, người mẹ bất lực khi nhìn 3 đứa con thơ nheo nhóc.
Ông Tĩnh buồn nói: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra rằng mình lại khốn khổ đến thế. Nhìn 3 đứa con thơ, đứa lớn nhất học lớp 4, đứa nhỏ mới 2 tuổi vui đùa mà lòng nghẹn đắng. Sức khỏe tôi càng ngày càng yếu, vợ mót mủ cao su ngày có ngày không, nợ nần khắp nơi vì chữa trị bệnh cho con trai… rủi may chúng tôi “sức cùng lực kiệt”, các con sẽ ra sao”. Tiếng nấc nghẹn ngào của ông Tĩnh, tiếng đứa con gái 2 tuổi Trần Xuân Uyên dỗ dành: “Ba đừng khóc, con thương ba lắm. Con hát ba nghe nha!”… Nhìn cảnh trên, không chỉ tôi mà tất cả những ai từng đến đây đều cảm thấy xót thương.
Bây giờ, ngoài đi làm mướn, suốt ngày bà Võ Thị Nhượng (SN 1970) vợ ông Tĩnh chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước vệ sinh cho chồng, con. Lo lắng, khổ cực mỗi ngày càng đè nặng hơn lên đôi vai bà Nhượng, khiến bà như xọm hẳn. Bà chỉ sợ, mai đây lỡ bà chết đi thì không biết ai sẽ thay bà chăm sóc cho ông, 3 đứa con nhỏ và người con tâm thần.
Trước hoàn cảnh nghiệt ngã đó, UBND xã Cây Trường đã vận động bà con ấp Ông Thanh, các ấp lân cận hỗ trợ cho gia đình ông Tĩnh 1 triệu đồng, hàng tháng tặng 10kg gạo. Ông Huỳnh Thiên Xuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cây Trường, cho biết: Gia đình ông Tĩnh không có hộ khẩu tại địa phương nên rất khó xét vào diện được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Thời gian tới, UBND sẽ xem xét có chế độ hỗ trợ gia đình ông.
Trước mắt, để “thắp” lên hy vọng sống cho ông, được tiếp tục chăm sóc các con nên người, ông rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
 THIÊN LÝ

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Đếm sự sống từng ngày


Mới 2 tuổi nhưng bé đã mang trong người căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Bác sĩ ở bệnh viện nói cần khoảng 80 triệu đồng để phẫu thuật tim mang lại sự sống cho bé, nhưng với gia đình đó là số tiền không tưởng. Người thân của bé chỉ còn biết nguyện cầu, mong một phép màu...
  Đó là hoàn cảnh đáng thương của cháu Trần Phương Linh, sinh năm 2010, con anh Trần Anh Phương, ngụ ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, Bến Cát. Theo chẩn đoán của bác sĩ, cháu bị bệnh hở van tim 3 lá. Với trọng bệnh đó lẽ ra cháu phải được đến bệnh viện phẫu thuật ngay để giành lại sự sống, nhưng giờ này cháu vẫn phải theo chân người cha và bà nội đi cạo mủ cao su mướn. Một cán bộ xã Lai Hưng cho biết, hoàn cảnh gia đình cháu Phương Linh vô cùng khó khăn. Bà nội cháu dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày vẫn cùng cha cháu sớm hôm lăn lộn với việc cạo mủ mướn, kiếm chén cơm qua ngày.
 
 Căn lều nơi Phương Linh ở cùng nội và cha

Theo chân một cán bộ xã Lai Hưng, chúng tôi vượt gần 4 cây số đường rừng cao su ngoằn ngoèo, lầy lội mới đến được nơi gia đình cháu sinh sống. Đó là một căn chòi che tạm bợ. Qua câu chuyện với bà nội cháu mới biết cuộc sống gia đình Phương Linh rất khó khăn. Khác với các bé cùng trang lứa, hưởng trọn tình thương cha mẹ, cháu bị mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Thiệt thòi đã quá nhiều, giờ cháu lại mắc chứng bệnh này nên ai thấy cũng ái ngại và không thể cầm lòng. Bà nội cháu cho biết, việc phẫu thuật tim cho cháu lúc này vượt quá khả năng của gia đình.
 Bởi ngoài việc có đủ tiền chi phí cho ca mổ, cháu cần có được 5 người chung nhóm máu cho máu khi mổ thì mới có cơ may.
 
 Hai bà cháu Phương Linh ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Cát

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, người bà lúc nào cũng ràn rụa nước mắt. Cầm giấy xét nghiệm và giấy báo chi phí mổ tim cho chúng tôi xem, tay bà cứ run run vì tuyệt vọng. Con số hơn 80 triệu đồng là quá lớn đối với diện hộ nghèo như bà. Hàng ngày lo ăn còn khó, nói gì chữa bệnh cho cháu. Những con người khốn khó đã vất vả nay lại càng bế tắc trước bệnh tình của con cháu.
Nghĩ “còn nước còn tát”, nên những lúc xong việc, bà lại ẵm cháu đi gõ cửa những nơi có thể cứu giúp sự sống cho Phương Linh. Nghe người này người kia giới thiệu, bà lại “tay xách nách mang” ẵm cháu lên xã rồi xuống huyện mong cầu một tia hy vọng nhỏ nhoi. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Cát cho biết, cháu mới chuyển từ nơi khác tới nên chưa có tên trong danh sách đợt xét vừa qua. Hiện tại phòng cũng chỉ biết ghi nhận hoàn cảnh của cháu mà chưa thể trả lời lúc nào có đợt xét mới. Cơ hội chữa trị cho Phương Linh vì thế cứ xa dần, trong khi tình trạng bệnh của cháu đang ngày một xấu đi. Bà nội Phương Linh cho biết, đã đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM nhưng nơi này đã giới thiệu qua Bệnh viện Tim phẫu thuật gấp bởi bệnh cháu đã quá nặng. “Vì thương cháu nên đưa cháu đi bệnh viện vậy thôi chứ tui biết không có tiền thì sao chữa trị bệnh cho cháu được…”, người bà nghẹn ngào trong nước mắt.
Nhìn Phương Linh vật lộn với những cơn co thắt mỗi khi trở bệnh, bà chỉ biết ôm chặt cháu vào lòng trong nỗi bất lực. Chia tay gia đình, chúng tôi thầm nguyện cầu, mong những cơn co thắt kia thôi không còn hành hạ cháu.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Hãy giúp em thêm nghị lực để vượt qua bệnh tật

 
Cũng giống các bạn bè cùng trang lứa, với biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão chờ đợi thực hiện, nhưng những căn bệnh quái ác liên tiếp ập đến đã cướp đi tương lai tươi sáng của chàng thanh niên đang ở độ tuổi bẻ gãy sừng trâu...
Chúng tôi tìm đến nhà của em Nguyễn Văn Vũ (SN 1993) ngụ 69 ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát. Ra tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành (SN 1969) cha em Vũ, một người đàn ông khắc khổ, đen sạm vì nắng gió qua những tháng ngày mưu sinh chữa bệnh cho con. Ông cho biết, trước đây Vũ cũng là một thiếu niên khỏe mạnh, em cũng học hành, vui chơi và giúp đỡ gia đình như bất kỳ một đứa con hiếu thảo nào khác. Thế rồi đến một hôm cách đây 3 năm (2009), em đột ngột đổ bệnh và quằn quại trong đau đớn. Sau gần 1 tháng cấp cứu và điều trị mất hơn 40 triệu đồng, gia đình ông được các bác sĩ cho biết một sự thật phũ phàng: Vũ bị liền hai căn bệnh hiểm nghèo: hư thận, hở van tim dạng nặng cùng với chứng bệnh cao huyết áp. Nhìn Vũ ngày càng xanh xao, gầy còm trước sự hành hạ của căn bệnh hiểm nghèo, trời đất như sụp đổ trước gia đình ông Thành khi người con trai duy nhất lại phải gánh chịu nỗi bất hạnh quá lớn.
 
Dù bị bệnh tật hành hạ, Vũ vẫn cố gắng giúp cha mẹ việc nhà
Theo những bà con lối xóm của ông Thành cho biết, trước đây gia đình ông cũng không đến nỗi nghèo túng như vậy, nhưng từ khi con đổ bệnh tài sản tiền bạc trong gia đình ông cứ dần ra đi theo những lần chữa bệnh cho Vũ. Dù biết bệnh tình của con rất nặng, khó điều trị và tốn kém nhưng ông vẫn quyết chạy vạy, vay mượn khắp nơi nhằm giúp cho đứa con thân yêu duy trì sự sống được ngày nào hay ngày đó. Ông Thành tâm sự, trong 3 năm qua, số tiền điều trị cho Vũ đã vượt hơn 150 triệu đồng và hiện gia đình ông đang nợ gần 100 triệu đồng chưa thể trả nổi. Trong đó, nợ bà con lối xóm gần 60 triệu đồng, nợ Hội Phụ nữ xã 10 triệu đồng và cầm giấy tờ nhà cho ngân hàng lấy 10 triệu đồng đã 3 năm qua nhưng chưa thể chuộc lại được...
Với công việc nấu ăn cho trường mẫu giáo ở xã, bà Nguyễn Thị Đẹp (SN 1970) vợ ông chỉ thu nhập được hơn 1,5 triệu đồng/tháng, cùng với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng bằng việc đi làm thuê mủ cao su cho hàng xóm của ông, hiện tại thu nhập của cả hai ông bà cũng chỉ đủ cho chi phí điều trị và thuốc men của Vũ. Số tiền hai bên nội ngoại và người con gái lớn đã lấy chồng gửi về được gia đình ông chi tiêu rất dè xẻn nhằm phòng cho những lúc cấp bách. Do dồn hết tiền bạc vào việc điều trị cho con, hàng ngày sau khi đi làm về, nhằm cải thiện thêm cho bữa ăn cho gia đình, ông và vợ lại thay phiên nhau ra đồng câu cá, hái rau đến tối mịt mới về.
Trong thời gian qua, chính quyền xã An Tây cũng đã rất quan tâm giúp đỡ đến gia đình ông. Hàng tháng, ngoài tiền hỗ trợ cho hộ nghèo, Hội Chữ thập đỏ của xã còn thường xuyên vận động quyên góp để ủng hộ cho gia đình ông. Tuy số tiền không nhiều nhưng ông thật sự rất cảm động vì sự quan tâm của chính quyền địa phương đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Và từ đầu năm 2012, gia đình ông đã được cấp sổ bảo hiểm dành cho người nghèo, nhờ đó mà gánh nặng chi phí chữa bệnh cho Vũ cũng phần nào được giảm bớt (trước kia mỗi tháng gia đình ông phải mất hơn 6 triệu đồng điều trị bệnh, nay còn hơn 3 triệu đồng).
Vào thời điểm này, dù bệnh tình có phần thuyên giảm, nhưng để duy trì sự sống cho Vũ, mỗi tuần em phải được chạy thận nhân tạo 3 lần và uống rất nhiều thuốc để trị bệnh tim. Em xanh xao và rất đau đớn mỗi khi căn bệnh quái ác hành hạ. Trong năm nay, em đã 1 lần phải nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và 2 lần ở bệnh viện tỉnh. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bệnh tim của Vũ thuộc dạng rất nặng, hở 3 van, nếu chỉ uống thuốc mà không tiến hành phẫu thuật thì khó lòng duy trì sự sống lâu dài được cho em.
Mọi sự giúp đỡ em Nguyễn Văn Vũ xin liên hệ các số điện thoại của chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” trên báo Bình Dương; hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ 69 ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát.
BÌNH MINH

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Một hoàn cảnh thương tâm

Con bệnh, chồng bỏ đi, sau đó 2 đứa con thân yêu cũng ra đi mãi mãi vì đuối nước. Tai họa không dừng ở đó, bản thân chị lại mang một căn bệnh hiểm nghèo, phải tích cực điều trị. Tai ương cứ liên tục đến với chị Nguyễn Thị Dinh ở ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng (Bến Cát). Giờ đây chị đang gắng gượng sống trong nỗi đau đớn tột cùng về tinh thần vì mất con và cơn đau thể xác do những căn bệnh nan y hành hạ cơ thể chị mỗi ngày.
 
Đại diện Báo Bình Dương trao 2 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị Dinh
Họa vô đơn chí
Năm 1996, từ miền Bắc chị Dinh theo người thân vào Nam lập nghiệp. Đến năm 2001 chị lập gia đình. Năm 2003 chị sinh con đầu lòng là cháu Phan Thị Hoàng Việt. Hai năm sau đó, chị sinh thêm cháu trai là Phan Việt Hoàng. Gia đình 1 trai 1 gái là niềm mơ ước của biết bao cặp vợ chồng. Thế nhưng, theo chị Dinh, từ khi sinh cháu Hoàng thì tai họa lại ập đến với chị. Lấy cớ chị Dinh sinh con bị dị tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục, nên chồng chị cứ kiếm chuyện và ra ở riêng khi chị mới sinh được 3 tháng. Chị đã khóc không biết bao nước mắt trước quyết định bất ngờ của chồng. Gạt bỏ nỗi đau, chị vừa chăn nuôi heo, gà kiếm tiền nuôi con và trị bệnh cho cháu Hoàng. Không biết bao lần chị tay xách, nách mang con đến Bệnh viện Nhi Đồng (TP.HCM) phẫu thuật. Tiền bạc dành dụm bấy lâu nay chị không tiếc đem ra chữa bệnh cho con. Vì chị quan niệm, còn sống thì còn lo cho con. Bởi với chị lúc này tài sản lớn nhất chính là những đứa con thân yêu. Từ những cố gắng của người mẹ, sau 2 năm, trải qua vài lần phẫu thuật, cháu Hoàng trở lại người bình thường như bao người “đàn ông” khác. Khi con khỏe mạnh, thì cũng là lúc chị Dinh bắt đầu lâm bệnh. Ban đầu chị điều trị ở bệnh viện huyện, sau đó đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rồi về TP.HCM chữa trị, nhưng bệnh tình thuyên giảm không bao nhiêu. Đợi đến khi cháu Việt nghỉ hè, 3 mẹ con lại bồng bế nhau ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị. Sau lần này, bệnh tình của chị Dinh có vẻ khá hơn nhiều.
 
Chị Dinh bên di ảnh các con
Bản thân bệnh, chị lo cho mình thì ít, mà lo cho con thì nhiều. Vì nếu chẳng may chị có mệnh hệ gì thì các cháu sẽ trở thành những đứa trẻ mồ côi. Vừa kể cho chúng tôi nghe đoạn trường cuộc đời mình, chị Dinh vừa tìm trong mớ giấy tờ và lôi ra một tờ giấy. Đọc mà chúng tôi như đứt ruột vì đó là tờ di chúc chị gửi con cho trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sau khi qua đời. Chị Dinh nói trong nước mắt ngắn, dài: “Tôi biết sẽ có một ngày mình rời xa các con. Ai sẽ chăm sóc các con tôi khi mà chúng còn quá non nớt. Vậy nên tôi có nguyện vọng gửi con vào trung tâm và mong muốn con được nuôi dạy nên người”.
Sức khỏe của chị Dinh có khả quan hơn một chút thì đại họa lại đến với người phụ nữ bất hạnh này. Kể cho chúng tôi nghe về sự ra đi bất ngờ của 2 con, nước mắt chị Dinh cứ tuôn trào, khiến chúng tôi cũng không khỏi xúc động. Trưa ngày 12-6, khi chị đi khám bệnh trở về nhà, tìm khắp mà không thấy con đâu. Chị ra hồ nước gần đó tìm cũng không thấy. Nhưng linh cảm của người mẹ biết có chuyện chẳng lành đến với con nên chị nhờ các anh công nhân đang làm công trình gần đó xuống hồ tìm thử xem sao. Và thật bất ngờ, thi thể của 2 cháu lần lượt được đưa lên. Chị như ngã quỵ, trời đất tối đen. Suốt nhiều ngày sau đó chị sống vật vờ như kẻ không hồn. Thế là tờ di chúc của chị giờ đây đã không còn giá trị. Còn đau đớn nào bằng khi giờ đây chị lâm vào cảnh lá vàng khóc lá non.
Sống tốt ở quãng đời còn lại
Gần 2 tháng nay chị Dinh sống thui thủi trong ngôi nhà trống hoác. Cảnh vật càng thêm thê lương khi trên bàn thờ là 2 cháu bé có gương mặt rất dễ thương như đang mỉm cười nhìn mẹ. Thỉnh thoảng chị lại cầm 2 bức ảnh lên vuốt vuốt như đang vuốt ve các con. Nhìn thấy cảnh này, không ai có thể cầm lòng được. Trong nhà chị tài sản không có gì là quý giá. Ngay khi đoàn chúng tôi đến 3 người, nhưng chỉ có 2 chiếc ghế mời khách. Anh Chu Quang Minh, cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo và trẻ em của xã Lai Hưng cho hay, chị Dinh là người hiền lành nên được bà con thương mến. Khi 2 con chị qua đời, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã, bà con cũng đóng góp tiền bạc để chị lo hậu sự cho con và động viên tinh thần để chị vượt qua cú sốc quá lớn này.
Gạt nước mắt, chị Dinh dẫn chúng tôi ra phía sau nhà xem đàn heo. Chị tâm sự: Dù sức khỏe có hạn, nhưng không muốn trở thành gánh nặng của xã hội, tôi cố gắng nuôi heo, gà để nuôi thân và có tiền chữa bệnh”. Hiện tại chị Dinh đang mắc những chứng bệnh nhà giàu như: bệnh gan, suy thận mãn, gút đỏ. Chị biết rằng, với những chứng bệnh ấy thì thần chết có thể lấy đi mạng sống của chị bất cứ lúc nào. Nhưng chị vẫn ước nguyện mình được sống để ngày ngày nhang khói cho các con.
Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Nguyễn Thị Dinh, ngày 31-7, đại diện Báo Bình Dương đã đến thăm và hỗ trợ chị 2 triệu đồng. Số tiền này sẽ góp phần nào cho chị trang trải cuộc sống. Chúng tôi cũng mong các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ chị Dinh, để chị có điều kiện chữa trị bệnh, kéo dài sự sống mà nhang khói cho con, như ước nguyện của chị.
A.SÁNG

Phát cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo huyện Bến Cát

 Đoàn từ thiện với những suất cơm nghĩa tình.

(BDO) Ngày 5-6, đoàn từ thiện gồm nhóm nghệ sĩ Phương Trinh và Gia đình Mái ấm đã tổ chức phát cơm từ thiện cho 100 bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện huyện Bến Cát (Bình Dương).


Với tinh thần lá lành đùm lá rách, mong muốn chia sẻ bớt gánh nặng với bệnh nhân nghèo huyện Bến Cát, đoàn từ thiện dự kiến sẽ duy trì hoạt động này mỗi tháng 2 lần, mỗi lần gồm 100 suất cơm (20 ngàn đồng/suất).
Được biết, suất cơm từ thiện là một trong số nhiều hoạt động thiện nguyện do Nhóm nghệ sĩ Phương Trinh và Gia đình Mái ấm đã vận động các Mạnh Thường Quân nhằm thể hiện đạo lý nhường cơm xẻ áo đối với người nghèo trên khắp mọi miền đất nước.
MINH HIẾU

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Lễ Trao tặng nhà Tình thương ở xã Phú An, Bến Cát

Ngày 25 tháng 10 năm 2011,xã Phú An, huyện Bến Cát ,UBND xã Phú An đã tổ chức buổi lễ trao tặng nhà tình thương cho ông Huỳnh Văn Chánh,người khuyết tật nghèo, bị liệt nằm một chỗ.
Diện tích xây dựng 36m2. Tổng kinh phí xây dựng 20 triệu đồng, trong đó Tỉnh Hội vận động BQL Khu Công nghiệp VSIP tặng .Sau đây là vài hình ảnh:







 


Ngày 18 tháng 11 năm 2011, tại ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, UBND xã Tân Định` đã tổ chức buổi lễ trao tặng nhà tình thương cho ông Thái Văn Châu, người tàn tật, nghèo, cô đơn.
Diện tích xây dựng 40m2. Tổng kinh phí xây dựng 40 triệu đồng, 20 triệu đồng do Tỉnh Hội vận động tiệm vàng Kim Hạnh TP HCM và CLB Từ thiện Thị xã Dĩ An tặng, phần còn lại bà con thân thuôc và lối xóm giúp đỡ.

Sau đây là vài hình ảnh: